Loại táo được quảng cáo là ‘táo đá Hà Giang” thực chất là táo nhập khẩu từ Trung Quốc. Do có giá thành rẻ hơn nhiều so với táo nhập khẩu và chất lượng khá thơm ngon nên nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua dù biết rõ nguồn gốc.
Biết là táo nhập từ Trung Quốc vẫn chọn mua vì ăn thấy ngon
Theo quảng cáo của anh Quảng thì đây là loại táo đá Hà Giang được vận chuyển về các thành phố lớn tiêu thụ. Loại táo này đang vào mùa, thời tiết càng lạnh, càng hanh khô thì táo càng già và ngọt. Loại táo này rất đắt hàng từ nhiều năm nay do có giá thành phải chăng, giòn, ngọt. Táo đá Hà Giang còn hay được gọi là táo mật vì khi bổ ra, thịt quả táo có màu vàng như mật.
Táo nhập khẩu từ Trung Quốc được quảng cáo là táo đá Hà Giang bán nhiều ở các chợ.
Dù nói về nguồn gốc táo ở Hà Giang, nhưng anh Quảng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà nói rằng “nhập từ kho đầu mối nên giấy tờ ở đầu mối giữ hết”. Anh cũng thật thà bảo, nhiều khách hàng khi nghe nói táo đá Hà Giang đã gạt phắt đi, bảo đây là táo nhập từ Trung Quốc chứ làm gì có táo đá Hà Giang. Dù vậy người này vẫn mua thường xuyên và đánh giá loại táo này ngon.
Chị Lê Hoài Thu (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, gần đây ra chợ thấy bán rất nhiều loại táo được quảng cáo là táo đá Hà Giang. Không chỉ có chị mà rất nhiều người đều biết rằng đó là táo nhập khẩu từ Trung Quốc, người bán hàng chỉ quảng cáo để hút khách thế thôi. Khi mua về ăn thì chị thấy loại táo này rất giòn và ngọt, thậm chí còn ngon hơn nhiều loại táo nhập khẩu mua ở siêu thị trong khi giá rất rẻ.
“Thực ra, táo các loại táo bán trong cửa hàng, siêu thị rất nhiều. Nhưng loại ăn giòn, ngọt thì giá khá đắt đỏ, mà túi tiền đi chợ của chị lại chỉ có hạn. Còn loại giá hợp lý ăn bị bở, về ép nước uống cũng không ngon. Táo đá thì đáp ứng đủ các tiêu chí ngon – rẻ. Nhiều quả bổ ra còn ứa mật (phần thịt táo trong suốt) rất hấp dẫn và ngon. Thế nên, chị tranh thủ mua về ăn lúc đang rộ mùa”, chị Thu cho hay.
TS Nguyễn Mạnh Khải, Học viện Nông nghiệp cho biết, thục tế trước đây Việt Nam có một vài dự án trồng thử nghiệm giống táo đỏ Trung Quốc ở Quản Bạ (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai), tuy nhiên các dự án này đều không thành công. Những cây táo trồng bị sâu bệnh chết, chỉ còn lại một vài cây với năng suất cực thấp. Do đó, có thể khẳng định, không có giống táo nào là táo Hà Giang. Loại táo được bán nhiều ở các chợ hiện nay là táo Trung Quốc được vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Tại Hà Giang cũng không có thương hiệu cây ăn trái nào là táo đá hay táo mật.
Ăn ‘táo đá Hà Giang’ có độc hại?
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang, hiện nay Hà Giang chưa có địa phương nào trồng được loại táo này. Trong danh mục các loại cây ôn đới trồng ở tỉnh này cũng không có loại cây nào được gọi là “cây táo đá”. Các loại trái cây đặc sản, nổi danh của tỉnh là cam sành, hồng không hạt ở Quản Bạ, lê đường ở Đồng Văn…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có một quan niệm sai lầm ở nhiều người hiện nay cho rằng cứ đồ gì nhập khẩu đường tiểu ngạch là không an toàn, cứ có giá rẻ là độc hại… Thực tế,
Táo đá đang bán trên thị trường thực chất là giống táo Fuji trồng rất nhiều ở Trung Quốc. Đúng là hàng Trung Quốc có loại tốt, loại không tốt, nhưng người tiêu dùng không nên mặc định là hàng không tốt mà nên biết lựa chọn sản phẩm an toàn, có đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trên thực tế, có nhiều thuốc bảo vệ thực vật được các cơ quan chức năng cho phép, khi sử dụng đúng liều lượng và không ngấm sâu vào quả mà chỉ bảo vệ bề ngoài, trước khi ăn ngâm rửa và gọt vỏ thì sẽ không độc. Khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường rộng lớn tiêu thụ, chắc chắn phải được kiểm soát và đánh giá an toàn. Vậy nên không có chuyện ăn loại táo này thì rất độc hại hay có thể gây ung thư như nhiều tin đồn đoán trên mạng.
Về khả năng dùng chất bảo quản thì rất nhiều loại trái cây buộc phải sử dụng chất này để tránh thối hỏng trong quá trình vận chuyển. Một số loại thuốc bảo quản chống lại vi sinh vật và nấm mốc dành riêng cho các loại quả không ăn vỏ như cam, quýt, bưởi, táo… thì khi sử dụng nên rửa sạch rồi gọt vỏ là đảm bảo an toàn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, việc ngâm rửa trái cây trước khi sử dụng là rất quan trọng giúp loại trừ các vi sinh vật, hóa chất. Tốt nhất, bạn nên ngâm rửa bằng nước lã, sau đó rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần, khi ăn gọt vỏ, đặc biệt gọt đến đâu ăn đến đấy, không để lâu để tránh tái nhiễm khuẩn.